Thursday, July 31, 2014

Giải pháp chuyên nghiệp hóa Kế Toán

Giải pháp chuyên nghiệp hóa Dịch vụ Kế Toán

Dịch vụ Kế toán và kiểm toán trong kinh tế thị trường, ngoài vai trò cung cấp thông tin tin cậy cho quản lý và cho các quyết định kinh tế - tài chính, đã và đang được thừa nhận là một dịch vụ không thể thiếu của một nền kinh tế mở.

Xu hướng thống nhất thị trường dịch vụ kế toán – kiểm toán khối ASEAN đòi hỏi phải có sự thay đổi hài hoà và chuẩn mực từ pháp lý, nội dung đào tạo, chất lượng đào tạo… Một lần nữa, vai trò của giáo dục trong sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực kế toán – kiểm toán chất lượng cao lại được đặt nặng.
Chuẩn mực kế toán – kiểm toán viên thời đại mới
Trước xu thế mở cửa hội nhập và công nghệ thông tin trở thành một công cụ chính yếu phục vụ cho công tác hành nghề của đại bộ phận các tổ chức, doanh nghiệp thì chuẩn mực chất lượng kế toán – kiểm toán viên lại nâng lên một bậc. Trước hết hành nghề kế toán, kiểm toán phải có tính chuyên nghiệp cao, kỹ năng nghề nghiệp tốt, am hiểu pháp luật, có năng lực tổ chức, quản lý và điều hành công việc, đặc biệt là phải có năng lực xử lý các nghiệp vụ kinh tế tài chính trong một nền kinh tế năng động và hội nhập.
Tuy nhiên, đội ngũ kế toán – kiểm toán viên hiện nay nhận thức về kế toán, kiểm toán trong kinh tế thị trường còn hạn chế, không ít trường hợp mới dừng lại ở công việc kế toán, kiểm toán thuần tuý, chưa thấy hết vai trò tác dụng và chưa làm cho công tác kế toán thực sự là công cụ quản lý, điều hành hoạt động kinh tế tài chính, công cụ hữu hiệu quản trị kinh doanh, tham gia tích cực kiểm kê, kiểm soát đo lường hiệu quả kinh tế tài chính, hiệu quả đầu tư và hiệu quả kinh doanh.
Sứ mệnh và trọng trách của giáo dục
Để cải tiến và nâng cao chất lượng hành nghề của đội ngũ dịch vụ kế toán, kiểm toán viên không những đáp ứng cho doanh nghiệp trong nước mà cung ứng cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam; thì yêu cầu đổi mới chương trình đào tạo được xem như mục tiêu mang tầm chiến lược.
Có một thực tế hiện nay ở hầu hết các trường đào tạo ngành dịch vụ kế toán – kiểm toán tại Việt Nam là nội dung giảng dạy chỉ mang tính lý thuyết, chưa được ứng dụng sâu thành quả dịch vụ kế toán – kiểm toán, nhà trường chưa tạo điều kiện cho sinh viên cọ xát thực tế thông qua các doanh nghiệp.
Chỉ khi nào cải tiến chất lượng đào tạo, thì khi đó chất lượng hành nghề của dịch vụ kế toán – kiểm toán mới đáp ứng đúng nhu cầu trên thị trường. Giải pháp cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục này nằm ở chỗ: tăng thời lượng thực hành, cọ xát thực tế của sinh viên thông qua việc kết hợp chặt chẽ từ các doanh nghiệp.
iSPACE – đơn vị tiên phong ứng dụng giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo dịch vụ Kế toán Kiểm toán
Trường Cao đẳng nghề iSPACE đã tiên phong với mô hình đào tạo này, kèm theo tiêu chí đào tạo ấn tượng: sinh viên chuyên ngành dịch vụ KẾ TOÁN DOANH NGHIỆP ứng dụng sâu CNTT và phát triển được nhiều phần mềm ứng dụng KẾ TOÁN.
Đánh giá về mô hình đào tạo ngành KẾ TOÁN DOANH NGHIỆP tại trường iSPACE, ông Huỳnh Thanh Tiến – phó giám đốc Công ty phát triển phần mềm dịch vụ kế toán ASIA có mặt tại lễ khai giảng đã phát biểu: “Nhiều hoạt động hội thảo chuyên đề về ngành nghề Kế toán Kiểm toán do iSPACE tổ chức với định hướng phát triển nguồn nhân lực đã nhận được sự hoan nghênh, đồng thuận của cơ quan các ban ngành. Sau khi tìm hiểu kết cấu đào tạo ngành Kế toán doanh nghiệp tại trường, tôi nhận thấy tính hiệu quả và tính thiết thực từ chương trình. Sắp tới, ASIA sẽ tham gia hợp tác cùng iSPACE nhằm cung cấp nguồn tài liệu cho sinh viên, hỗ trợ về phần mềm kế toán để sinh viên tìm hiểu và ứng dụng, hướng dẫn kỹ năng nhập liệu, kiểm tra trên hệ thống phần mềm, giải đáp các nghiệp vụ thực tế, tạo điều kiện cho sinh viên nghiên cứu, thực tập tại ASIA. Hợp tác song phương giữa ASIA và iSPACE nhằm giúp sinh viên học tập trên cơ sở dữ liệu mang tính thực tế cao, rút ngắn khoảng cách học và làm việc, bảo đảm cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã tích luỹ được kinh nghiệm. Trong tương lai không xa, ASIA sẽ khuyến khích sinh viên học tập bằng nhiều học bổng và nhiều đơn đặt hàng tuyển dụng cử nhân Kế toán giỏi CNTT.”
Mô hình đào tạo ngành Kế toán doanh nghiệp tại iSPACE đang ngày càng khẳng định giá trị và thu hút sinh viên tham gia học. Bạn Đào Bảo Anh, sinh viên lớp KT01 của iSPACE cho biết: “Trước đây em tham gia học 2 năm tại trường Đại học Ngoại Ngữ Huflic. Thời gian đó em chủ yếu được học về lý thuyết nên vẫn chưa tích luỹ được kinh nghiệm thực tế, kỹ năng nghề nghiệp. Sau khi nghe thông tin trường iSPACE đào tạo ngành Kế toán doanh nghiệp, em quyết định nộp hồ sơ xét tuyển. Học tại iSPACE, em hy vọng sẽ hoàn thiện những kỹ năng còn yếu, không những nâng cao nghiệp vụ dịch vụ Kế toán mà kiến thức về Công nghệ thông tin cũng được bồi dưỡng”.
Phòng học lý thuyết dành cho sinh viên iSPACE
Không dừng lại ở đó, hiện nay trường Cao đẳng iSPACE đang đặt ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng giảng dạy. Tiến Sỹ Nguyễn Trọng, hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề iSPACE nhận định chương trình đào tạo ngành Kế toán doanh nghiệp hiện nay của iSPACE nhằm hướng đến một chuẩn mực mang tầm quốc tế. Thầy cho biết: “Nhà trường tạo điều kiện để sinh viên nghiên cứu, ứng dụng các phần mềm kế toán, từ đó có thể thiết kế được các phần mềm kế toán đơn giản. Mấu chốt quan trọng nhất và cũng là mục tiêu đào tạo của iSPACE, đó là đào tạo ra đội ngũ tân cử nhân có kinh nghiệm thực tế, có khả năng hiểu rõ và phân tích được cơ sở hệ thống Tài chính – Kế toán tại các doanh nghiệp để từ đó phát triển được các modurn ứng dụng phục vụ cho nhu cầu công việc, tham mưu về quản lý doanh nghiệp trong các quyết định kinh doanh và chiến lược đầu tư - kinh doanh, có khả năng thích ứng trong môi trường kinh tế đa chiều, luôn biến động.”
Thời gian xét tuyển nguyện vọng 3 đã hết, rất nhiều thí sinh đang đắn đo trong việc lựa chọn môi trường học tập phù hợp. Sẽ rất cần thiết cho các bạn khi quyết định chọn trường với các yếu tố: nhu cầu thực tế và kết cấu đào tạo ở các trường. Một mùa thi nữa đã đi qua, những tiếc nuối, hụt hẫng cũng sẽ qua đi, còn lại là những hệ quả mang tính giá trị. Hãy biết nắm lấy cơ hội và giá trị cho mình, các bạn nhé!

Bài gốc:http://dantri.com.vn/tin-tuyen-sinh/giai-phap-chuyen-nghiep-hoa-ke-toan-kiem-toan-vien-tai-ispace-358688.htm

 

Thủ tục thành lập công ty cổ phần

Thủ tục thành lập công ty cổ phần chuẩn 2014

(Dân trí) - Tôi và mấy người bạn muốn thành lập công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực thời trang. Chúng tôi dự định thành lập công ty tại Hưng Yên. Xin hỏi thủ tục thế nào? Mong Báo Dân trí tư vấn giúp. (Nguyễn Quang Tùng, quangtungnguyen2011@yahoo.com).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trả lời:  
Về vấn đề của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
Trường hợp của bạn nếu thành lập công ty cổ phần tại tỉnh Hưng Yên thì bạn phải làm thủ tục tại Phòng Đăng ký kinh doanh của tỉnh Hưng Yên.
Về hồ sơ cần chuẩn bị, theo quy định tại Điều 20 Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký thành lập doanh nghiệp thì hồ sơ để đăng ký thành lập công ty cổ phần bao gồm các loại giấy tờ sau:  
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
2. Dự thảo Điều lệ thành lập công ty. Dự thảo điều lệ công ty phải có đầy đủ chữ ký của người đại diện theo pháp luật, của các cổ đông sáng lập hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập. Các thành viên, cổ đông sáng lập phải cùng nhau chịu trách nhiệm về sự phù hợp pháp luật của điều lệ công ty;
3. Danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần lập theo mẫu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định. Kèm theo danh sách cổ đông sáng lập phải có:
a) Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân (Chứng minh nhân dân, hộ chiếu…) đối với trường hợp thành viên sáng lập hoặc cổ đông sáng lập là cá nhân;
b) Bản sao hợp lệ Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền và quyết định ủy quyền tương ứng đối với trường hợp thành viên sáng lập hoặc cổ đông sáng lập là pháp nhân.
4. Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định;
5. Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân nếu thành lập công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.
Như vậy bạn chỉ cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ hồ sơ theo quy định trên để nộp lên phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh Hưng Yên, sau 05 ngày làm việc kể từ ngày các bạn nộp hồ sơ đầy đủ hợp lệ, phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho bạn. 
Link gốc: http://dantri.com.vn/ban-doc/thu-tuc-thanh-lap-cong-ty-co-phan-615774.htm

Chỉ có 57% doanh nghiệp đang hoạt động, số còn lại "không quản lý được"

57% Doanh Nghiệp được thành lập đang hoạt động

 (Dân trí) - Trong số 621.000 người thành lập doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, chỉ có 356.000 doanh nghiệp đang hoạt động (57%) còn trên 264.800 doanh nghiệp đang ra sao, như thế nào Nhà nước không quản lý được.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đã chỉ ra những bất cập trong công tác hậu kiểm khi góp ý tại Quốc hội về Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, với quy định, người thành  lập doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế, nên Luật cần cụ thể hóa danh mục những ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện kèm theo dự thảo luật sửa đổi lần này là cần thiết.

Nhấn mạnh về công tác hậu kiểm, đại biểu Ngân dẫn chứng, qua số liệu của Tổng cục thống kê công bố năm 2005, chúng ta có gần 200.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập, đến năm 2013 có trên 621.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập, tức là tăng gấp 3 lần so với năm 2005. Mỗi năm có trên 53.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập. Tuy nhiên, trong số 621.000 doanh nghiệp thì chỉ có 356.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tức là 57%, còn trên 264.800 doanh nghiệp đang ra sao, như thế nào, một số ngừng hoạt động, đang chờ giải thể, đang chờ phá sản, đang chờ cơ hội hoặc đang hoạt động, Nhà nước không quản lý được.
Vì vậy, đại biểu Ngân nhấn mạnh, bên cạnh tạo thuận lợi cho doanh nhân dễ dàng thành lập doanh nghiệp, thậm chí Chính phủ có thể thành lập các trung tâm, các tổ chuyên viên để hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp và thực hiện các hồ sơ thành lập doanh nghiệp một cách miễn phí.
“Cần tăng cường khâu kiểm tra tính xác thực của hồ sơ đăng ký, địa chỉ đăng ký kinh doanh, tính chất thể nhân của người đăng ký thành lập doanh nghiệp, luật cần có những điều khoản quy định khâu hậu kiểm, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ban, ngành có liên quan. Điều lưu ý hậu kiểm không chỉ có mục tiêu là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xử lý vi phạm, kiểm soát tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp mà còn phân tích, đánh giá để điều chỉnh chính sách, điều chỉnh luật pháp và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, duy trì sản xuất, kinh doanh và phát triển vững mạnh”, đại biểu lưu ý.
Doanh nghiệp thép khóc do thua lỗ.
Thành lập Doanh nghiệp thép "khóc" do thua lỗ.
Đóng góp cho Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, Luật cần giảm thiểu các chế định hạn chế quyền tự do kinh doanh tại các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn, tránh tình trạng Luật doanh nghiệp mở ra trong khi các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thì lại bó lại.
“Chúng ta đều biết nguyên tắc về quyền tự do kinh doanh đã được ghi nhận và cụ thể hóa trong các quy định của Luật doanh nghiệp từ năm 2005. Với tính chất là luật gốc, là cơ sở pháp luật về kinh doanh tại Việt Nam, chúng ta kỳ vọng đây sẽ là tiền đề cho một hệ thống pháp luật về doanh nghiệp thực sự tự do”, đại biểu Lộc nói.
Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra một thực tế, quá trình thi hành luật gần 10 năm qua đã cho thấy một bức tranh khác. Với quá nhiều các quy định riêng trong các luật chuyên ngành, quá nhiều các thủ tục và giấy phép con, cháu, chắt quy định trong các văn bản hướng dẫn và triển khai ở cấp, nguyên tắc quyền tự do kinh doanh trong Luật doanh nghiệp đã bị đẩy lùi và vô hiệu hóa từng phần. Nay với quy định trong dự luật rằng luật chuyên ngành quy định khác với Luật doanh nghiệp về tổ chức và quản lý cũng như giải thể doanh nghiệp thì áp dụng theo quy định của luật chuyên ngành.
Cũng nhấn mạnh về công tác hậu kiểm, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng: Hiện nay trong điều hành, Nhà nước chỉ theo dõi việc đăng ký doanh nghiệp, còn doanh nghiệp triển khai thực hiện hoặc doanh nghiệp khó khăn chết đi thì chưa có một cơ quan đầu mối nào theo dõi để kiểm tra, thực hiện vấn đề hỗ trợ cũng như tổng kết, đánh giá vấn đề này.
“Luật chỉ giải quyết việc gia nhập thị trường, chưa giải quyết được sự tồn tại lớn nhất của nền kinh tế, đó là trật tự thị trường thông qua việc phát huy tốt nhất chức năng nhiệm vụ của bộ máy nhà nước về vai trò, cách thức vận hành, quản lí nhà nước và thể hiện trong luật. Có như thế, dự thảo luật mới giải quyết được phần ngọn và cả phần gốc. Dự thảo luật cần quy định cụ thể hoạt động hậu kiểm, tránh trường hợp đơn giản thủ tục chỗ này lại xuất hiện phức tạp chỗ khác”, đại biểu Ánh Tuyết nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm với đại biểu Tuyết, đại biểu Lê Công Đỉnh (đoàn Long An) cho rằng, vấn đề giải thể doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp chưa được quy định rõ đối với doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký. Vấn đề này hiện nay rất nan giải đối với các cơ quan đăng ký kinh doanh.
“Thực tế các cơ quan đăng ký kinh doanh chưa mạnh dạn quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh doanh nghiệp và xóa tên trong cổng thông tin quốc gia. Vì nhiều doanh nghiệp trong trường hợp này còn nợ thuế và nợ các khoản khác. Do đó, tôi đề nghị cần có điều khoản quy định về vấn đề này. Đồng thời cần quy định chế tài đối với các thành viên, cổ đông sáng lập, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký”, đại biểu Lê Công Đỉnh nói.
Nhấn mạnh tới điều kiện kinh doanh, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, hiện nay các giấy phép con dưới các hình thức điều kiện kinh doanh đang có xu hướng ngày càng tăng. Vì vậy, quy định về điều kiện kinh doanh phải thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không giao cho các văn bản dưới luật, trong trường hợp cấp bách cần sửa đổi, bổ sung hoặc quy định thêm các điều kiện kinh doanh nhưng chưa thể sửa luật, pháp lệnh, nếu xét thấy cần thiết Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để thực hiện.
Nguyễn Hiền
Link gốc: http://dantri.com.vn/doanh-nghiep/chi-co-57-doanh-nghiep-dang-hoat-dong-so-con-lai-khong-quan-ly-duoc-889568.htm