Monday, September 8, 2014

Doanh nghiệp dịch vụ kế toán: Đối mặt với... giấy phép con

(DĐDN) - Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán đưa ra xin ý kiến góp ý của cộng đồng DN và các nhà quản lý. Luật Kế toán chỉ sửa đổi, bổ sung 10 điều của Luật Kế toán hiện hành nhưng theo nhiều DN, dự luật đã đặt thêm hàng loạt giấy phép con cho DN kinh doanh dịch vụ kế toán.

Kiểm toán độc lập được hành nghề trong mọi lĩnh vực, trong khi đó,
dịch vụ kế toán chỉ phục vụ cho đối tượng là các DN siêu nhỏ và nhỏ
Điều đáng quan tâm là những giấy phép "con", giấy phép "cháu" đối với kinh doanh dịch vụ kế toán theo dự thảo Luật Kế toán thiếu tính khả thi.
Thiếu tính khả thi và... quá mức cần thiết
Trước hết, yêu cầu "có ít nhất ba kế toán viên hành nghề" là thiếu tính khả thi vì từ năm 2005 đến nay, Bộ Tài chính tổ chức thi cấp Chứng chỉ hành nghề kế toán mỗi năm một lần, mỗi lần chỉ cấp được khoảng 25 - 30 chứng chỉ. Trong khi đó, khá nhiều người được cấp chứng chỉ lại không hành nghề dịch vụ kế toán. Đến hết năm 2013, chỉ có 192 kế toán viên hành nghề và kiểm toán viên đăng ký hành nghề với Hội Kế toán - Kiểm toán Việt Nam (VAA). Với tốc độ đó, sao có đủ kế toán viên hành nghề để thành lập DN theo quy định trên.
Đòi hỏi "tối thiểu phải có hai thành viên góp vốn" là quá mức cần thiết. Bởi, người có chứng chỉ hành nghề cũng là người lao động , không bắt buộc phải góp vốn vào Cty mà được phép làm việc theo hợp đồng lao động. Quy định đó sẽ gây khó khăn lớn cho việc thành lập DN dịch vụ kế toán khi không thể thuyết phục được người có chứng chỉ hành nghề tham gia góp vốn.
Điều kiện "người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của Cty trách nhiệm hữu hạn phải là kế toán viên hành nghề" cũng là điều kiện quá mức cần thiết. Bởi, người đại diện theo pháp luật của DN phải chịu trách nhiệm toàn diện về mọi hoạt động của DN và do đó phải có kinh nghiệm quản lý, kiến thức tương đối toàn diện. Không phải bất cứ ai có "chứng chỉ hành nghề kế toán" là đã có kinh nghiệm trong quản lý DN. Do đó, chỉ cần quy định "Giám đốc (hoặc Tổng giám đốc) DN dịch vụ kế toán phải có chứng chỉ hành nghề kế toán và chỉ người có chứng chỉ hành nghề kế toán mới được ký hợp đồng dịch vụ kế toán là đủ.
Điều kiện "bảo đảm vốn pháp định theo quy định của Chính phủ" lại là một... quy định khó hiểu! Bởi lẽ, dịch vụ kế toán không đòi hỏi vốn lớn, cũng không phải là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm có thể phải bồi thường vật chất đến mức phải quy định vốn pháp định. Những rủi ro thường gặp trong dịch vụ kế toán đều có nguyên nhân từ sự không hợp pháp của chứng từ, tài liệu được sử dụng trong công tác kế toán. Song, các hợp đồng dịch vụ kế toán đều quy định về trách nhiệm của khách hàng là "chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự hợp pháp của chứng từ, tài liệu kế toán được cung cấp để sử dụng trong công tác kế toán". Do đó, những khoản DN dịch vụ kế toán phải bồi thường cho khách hàng (nếu có) thường chỉ là phạt vi phạm hành chính từ những lỗi kỹ thuật của kế toán viên. Đó là số tiền không lớn để đến mức DN phải có vốn pháp định.
Quy định "phần vốn góp của người có chứng chỉ hành nghề kế toán phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của DN..." cũng lại thiếu khả thi. Bởi lẽ, dịch vụ kế toán là lĩnh vực "năng nhặt, chặt bị", không phải cứ có chứng chỉ hành nghề kế toán là đã có tiền để góp vốn thành lập DN. Chẳng hạn, một Cty TNHH có 5 thành viên, trong đó có 3 thành viên có chứng chỉ hành nghề kế toán có vốn điều lệ 1 tỷ đồng, thì ba thành viên có chứng chỉ hành nghề phải góp ít nhất 505 triệu đồng. Rất ít người có chứng chỉ hành nghề có đủ số tiền theo yêu cầu trên để góp vốn!
Đặc biệt, quy định "phần vốn góp của các thành viên là tổ chức không quá 35% vốn điều lệ của Cty" dựa trên cơ sở nào? DN nước ngoài góp vốn với DN dịch vụ kế toán Việt Nam có bị khống chế như trên hay không? Theo Biểu cam kết về dịch vụ đính kèm Hiệp định gia nhập WTO của Việt Nam, lĩnh vực dịch vụ kế toán, kiểm toán không bị bất kỳ hạn chế nào. Vậy, quy định trên có vi phạm cam kết với WTO?
Hơn nữa, quy định "người có chứng chỉ hành nghề phải có Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề" là "đẻ" thêm một "giấy phép cháu". Bởi, một kế toán viên, sau 4 đến 5 năm học đại học và có tới 5 năm công tác, phải trải qua một kỳ thi quốc gia mới lấy được "Chứng chỉ hành nghề kế toán" nhưng để được hành nghề lại phải xin "Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề"!
Hậu quả nhãn tiền
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự kiến cho ra đời hàng loạt giấy phép con, giấy phép cháu trong lĩnh vực dịch vụ kế toán.
Nguyên nhân phải kể đến trước hết là việc áp đặt phương thức quản lý đối với kiểm toán độc lập cho hoạt động dịch vụ kế toán. Đó là điều không hợp lý, là thổi phồng quá mức tầm quan trọng của dịch vụ kế toán. Bởi vì, giữa kiểm toán độc lập và dịch vụ kế toán có những điểm khác nhau rất cơ bản. Kiểm toán độc lập được hành nghề trong mọi lĩnh vực, trong khi đó, dịch vụ kế toán chỉ phục vụ cho đối tượng là các DN siêu nhỏ và nhỏ. Các DNNN không được sử dụng dịch vụ kế toán; những DN có quy mô vừa và lớn, các DN đã niêm yết trên TTCK, các ngân hàng, tổ chức tín dụng... không sử dụng dịch vụ kế toán mà tổ chức bộ máy kế toán để đáp ứng yêu cầu quản lý. Người có chứng chỉ kiểm toán viên không được hành nghề cá nhân, ngược lại, người có chứng chỉ hành nghề kế toán được hành nghề cá nhân.
Kiểm toán độc lập có sản phẩm riêng là báo cáo kiểm toán, còn sản phẩm của dịch vụ kế toán là hệ thống sổ kế toán, báo cáo tài chính của DN khách hàng theo quy định của pháp luật. Về giá trị pháp lý của sản phẩm cung ứng: Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán độc lập được sử dụng với nhiều mục đích như: chia lợi nhuận; liên doanh, liên kết; đấu thầu... Trong khi đó, các báo cáo tài chính do dịch vụ kế toán cung cấp, người đại diện theo pháp luật của DN khách hàng vẫn ký và chịu trách nhiệm và những báo cáo này phần lớn chỉ phục vụ mục đích quyết toán thuế.
Quản lý chặt chẽ về chất lượng dịch vụ kế toán là rất cần thiết. Song, không thể chứng minh được rằng, những điều kiện thiếu tính khả thi, đi ngược lại xu thế của cải cách hành chính được quy định trong dự thảo Luật KT sẽ có tác động nâng cao chất lượng của dịch vụ kế toán. Nhân tố quan trọng nhất đối với việc nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán là việc thiết lập và tuân thủ quy trình kiểm soát chất lượng, là việc thường xuyên phải cập nhật kiến thức cho kế toán viên hành nghề. Bộ Tài chính đã có quy định và VAA đã triển khai thực hiện tương đối tốt những quy định đó từ năm 2009 đến nay. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để những DN đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kế toán hiện nay đăng ký hành nghề với VAA, gia nhập Chi hội kế toán hành nghề Việt Nam (VICA). Hơn nữa, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, đảm bảo chất lượng dịch vụ là điều kiện sống còn của các DN dịch vụ kế toán. Do đó, các DN phải thường xuyên quan tâm.

Quản lý chặt chẽ về chất lượng dịch vụ kế toán là rất cần thiết. Song, những điều kiện thiếu tính khả thi, trong dự thảo Luật KT sẽ có tác động nâng cao chất lượng của dịch vụ kế toán.
Dịch vụ kế toán là thị trường còn rất non trẻ ở nước ta. Số DN và kế toán viên đăng ký hành nghề với VAA còn rất ít. Theo đánh giá của VAA, số DN đăng ký hành nghề với VAA chỉ được khoảng 20% trong tổng số DN đang kinh doanh dịch vụ kế toán. Với kế toán viên hành nghề, từ năm 2005 đến nay, Bộ Tài chính đều tổ chức mỗi năm một kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề kế toán, tức là đã có 9 kỳ thi. Không có số liệu được công bố về tổng số người đã được cấp chứng chỉ hành nghề kế toán nhưng con số 190 kế toán viên hành nghề đã đăng ký hành nghề với VAA (bao gồm cả một số kiểm toán viên) là rất ít. Điều đó có nghĩa là có rất nhiều người đã được cấp chứng chỉ hành nghề kế toán nhưng không hành nghề dịch vụ kế toán. Trong bối cảnh trên, với chức năng quản lý nhà nước, Bộ Tài chính cần hỗ trợ cho các DN dịch vụ kế toán tồn tại và hoạt động, có những biện pháp nhằm hạn chế hoạt động của lực lượng "kế toán chạy sô", đơn giản hóa thủ tục hành chính, khuyến khích các DN dịch vụ kế toán đăng ký hành nghề với VAA để có thể quản lý về chất lượng dịch vụ. Khi các DN dịch vụ kế toán đủ mạnh và chiếm lĩnh được thị trường, việc đặt ra những yêu cầu cao hơn để đảm bảo chất lượng dịch vụ sẽ là hợp lý hơn. Đáng tiếc là dự thảo Luật nếu không có sự điều chỉnh sẽ... “ép” các DN dịch vụ kế toán phải rời khỏi thị trường. Và, tất nhiên, lực lượng dịch vụ kế toán bất hợp pháp sẽ "thừa thắng xông lên"!
Kiến nghị từ thực tế
Báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật sửa đổi, Bộ Tài chính cũng nhận định tác động của việc đặt thêm những điều kiện cho kinh doanh dịch vụ kế toán như sau: "Thực hiện theo phương án này sẽ chặt chẽ hơn đối với cá nhân hành nghề và DN trong việc đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán làm hạn chế sự phát triển về số lượng các DN dịch vụ kế toán thành lập mới". Nhận định trên hoàn toàn đúng và không chỉ "hạn chế sự phát triển về số lượng các DN dịch vụ kế toán thành lập mới" mà sẽ dẫn đến tình trạng nhiều DN dịch vụ kế toán sẽ "biến mất" trên thị trường. Sự biến mất của các DN dịch vụ kế toán sẽ xảy ra theo một trong hai cách. Thứ nhất, chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán vì chủ DN không đủ sức (cả về thời gian và tiền bạc) để "xin" các giấy phép con. Thứ hai, không đăng ký hành nghề, không xin Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhưng vẫn vô tư kinh doanh dịch vụ kế toán. Chắc chắn rằng, sự "biến mất" theo cách thứ hai sẽ gia tăng. Câu hỏi được đặt ra là: Bộ Tài chính có đủ lực lượng để kiểm tra xử phạt? Câu trả lời là: Không! Và điều đó cũng có nghĩa là, Bộ Tài chính đã chính thức "bàn giao" thị trường dịch vụ kế toán cho lực lượng kế toán hành nghề bất hợp pháp hiện nay! Đến bao giờ chúng ta mới có một thị trường dịch vụ kế toán lành mạnh và những DN dịch vụ kế toán đủ lớn?
9 ... giấy phép để được hoạt động
Điều 55 Luật Kế toán hiện hành được dự Luật KT chia thành 10 điều từ 55a đến 55k với "một rừng" giấy phép con, cháu. Chẳng hạn, một Cty TNHH muốn kinh doanh dịch vụ kế toán phải có đến...9 giấy phép như sau:
Số 1: Phải là thành lập Công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên quy định tại tiết a Điều 55c Luật KT.
Theo quy định tại Điều 55d Luật KT, có những giấy phép con sau đây:
Số 2: Có ít nhất ba kế toán viên hành nghề;
Số 3: Có tối thiểu hai kế toán viên hành nghề là thành viên góp vốn;
Số 4: Người đại diện theo pháp luật, GĐ hoặc TGĐ của Cty TNHH phải là kế toán viên hành nghề;
Số 5: Phải có vốn pháp định theo quy định của Chính phủ;
Số 6: Phần vốn góp của những người có chứng chỉ hành nghề dịch vụ kế toán phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của DN.
Số 7: Phần vốn góp của các thành viên là tổ chức không quá 35% vốn điều lệ của Cty.
Số 8: Các kế toán viên hành nghề phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề theo quy định tại Điều 55b Luật KT;
Số 9: DN phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán theo quy định tại Điều 55d Luật KT.
Luật gia Vũ Xuân Tiền
Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách,
Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam
Theo BaoMoi.Com